HTX nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (Kon Tum): Nỗ lực xây dựng thương hiệu
- Người viết: Nguyễn Tuấn lúc
- Tin tức
- - 0 Bình luận
“Chất lượng trường tồn” là slogan của HTX nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Trải qua 07 năm hoạt động và phát triển, thương hiệu cà phê sạch do HTX Sáu Nhung sản xuất đang từng bước có chỗ đứng trên thị trường cà phê Việt. Với những nỗ lực đó, HTX đang từng bước khẳng định thương hiệu, hoạt động hiệu quả, nâng cao đời sống thành viên, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Từng bước xây dựng thương hiệu
Huyện Đắk Hà có thể coi là “thủ phủ” cà phê của tỉnh Kon Tum, với địa hình bằng phẳng, đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển cây cà phê. Diện tích cà phê của huyện chiếm khoảng 50% diện tích trồng cà phê của toàn tỉnh. Có nhiều HTX đã liên kết nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, đầu tư máy móc thiết bị chế biến, xây dựng thương hiệu và đưa ra thị trường, từng bước giúp cà phê Kon Tum có vị trí trên bản đồ cà phê Việt. HTX nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (HTX Sáu Nhung) là một trong số ít những HTX làm được điều đó.
Thành lập vào tháng 12/2012, ban đầu với 9 hộ thành viên chính thức và 113 hộ nông dân liên kết, đến nay, HTX có 32 thành viên chính thức và 81 hộ thành viên liên kết sản xuất. Diện tích sản xuất cà phê của HTX là 300 ha, sản lượng trung bình đạt từ 3,5 - 4,5 tấn/ha/năm. HTX chịu trách nhiệm quy hoạch diện tích, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn sạch mà các tổ chức hiệp hội cà phê ban hành. HTX đã cung ứng dịch vụ đầu vào như cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua bao tiêu 100% sản lượng cho thành viên với giá cao hơn giá thị trường khoảng 15% tùy mùa vụ. Đến nay, trong số 300 ha do HTX quản lý sản xuất có 51 ha đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và HACCP. Trước thực tế bán cà phê thô giá trị kinh tế không cao, giá cả bấp bênh nên HTX đã đầu tư nhà xưởng sơ chế, máy móc thiết bị hiện đại chế biến cà phê nhân xô thành các sản phẩm như cà phê bột nguyên chất, cà phê hòa tan, tinh cà phê…từ 2 dòng cà phê chính là Robusta và Arabica. So với bán cà phê nhân xô, cà phê chế biến đạt hiệu quả kinh tế tăng trên 25%.
Trao đổi với với chúng tôi, ông Nguyễn Tri Sáu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: “ Sản xuất và chế biến có lợi thế là mình chủ động được tất cả, không phụ thuộc vào bên thu mua. Nếu giá cà phê nhân xô trên thị trường thấp thì đưa vào chế biến sâu cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất là phải xây dựng được thương hiệu thì mới có thể tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường. Để xây dựng thương hiệu Cà phê đặc biệt Sáu Nhung, đầu tiên là HTX phải đảm bảo cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch; phải đầu tư công nghệ máy móc chế biến hiện đại, đầu tư bao bì mẫu mã, hình ảnh quảng cáo tiếp cận thị trường. HTX liên kết với 2 công ty để bao tiêu sản phẩm cà phê nhân xô cho thành viên và có 3 văn phòng đại diện phân phối cà phê đã chế biến ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương”.
Năm 2015, “Cà phê đặc biệt Sáu Nhung” đã được Viện chất lượng Việt Nam tặng danh hiệu Cúp vàng, huy chương vàng sản phẩm thương hiệu chất lượng cao, Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu ba năm liền từ 2014-201. HTX Sáu Nhung được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen năm 2017.
Giúp nông dân thoát nghèo
Khi HTX chưa ra đời, các hộ nông dân tại xã Hà Mòn huyện Đắk Hà sản xuất cà phê manh mún, nhỏ lẻ, không theo quy trình, tiêu chuẩn nên thường bị thương lái ép giá với lý do cà phê không đạt chất lượng. Từ khi có HTX, nông dân được hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là khâu tiêu thụ được HTX đảm bảo nên giá cả ổn định, lợi nhuận từ sản xuất cà phê tăng từ 15-20%/ năm so với trước đây. Do đó, đời sống kinh tế của các hộ thành viên được cải thiện và nâng cao. Thành viên mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất vì không lo đầu ra như những năm trước đó. Một thành viên HTX chia sẻ: “Lúc đầu gia đình tôi tự sản xuất cà phê theo kinh nghiệm truyền thống, diện tích nhỏ lẻ, manh mún. Đến mùa thu hoạch bán ra ngoài thường hay bị tư thương ép giá, người ta chê sản phẩm của mình là không đạt chất lượng. Từ khi chúng tôi được HTX Sáu Nhung vận động vào thành viên HTX thì lúc ấy chúng tôi làm theo quy trình của HTX đưa ra, áp dụng các tiến bộ khoa học như công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân chi phí nhân công giảm, lượng phân bón đầu tư giảm rất nhiều. Hiệu quả trong sản xuất cà phê được nâng lên, sản phẩm cà phê chúng tôi làm ra đẹp hơn, chất lượng tốt hơn và tiêu thụ thì đã có HTX đứng ra lo, nên là chúng tôi rất yên tâm đầu tư sản xuất”.
HTX Sáu Nhung được đánh giá là mô hình quản lý sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên, giúp nhiều bà con nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững từ cây cà phê. “Cà phê đặc biệt Sáu Nhung” đang ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường, có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Nguồn: https://vca.org.vn/
Viết bình luận
Bình luận