Sáu Nhung Coop

Hợp tác xã kiểu mẫu sản xuất cà phê theo chuỗi khép kín

Hợp tác xã kiểu mẫu sản xuất cà phê theo chuỗi khép kín

Hợp tác xã Sáu Nhung không chỉ tập hợp các hộ dân liên kết thực hiện sản xuất cà phê mà còn chế biến sâu và tìm kiếm thị trường.

HTX Sáu Nhung là mô hình kiểu mẫu trong sản xuất cà phê theo chuỗi khép kin. Ảnh: Tuấn Anh.

HTX Sáu Nhung là mô hình kiểu mẫu trong sản xuất cà phê theo chuỗi khép kin. Ảnh: Tuấn Anh.

Sản xuất cà phê khép kín

Huyện Đăk Hà được coi là “thủ phủ” cà phê của tỉnh Kon Tum, với địa hình bằng phẳng, đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển cây cà phê. Diện tích cà phê của huyện chiếm khoảng 50% cà phê của toàn tỉnh.

Nhận thấy tiềm năng rất lớn từ phát triển cà phê, nhiều Hợp tác xã (HTX) ở huyện Đăk Hà đã liên kết nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, đầu tư máy móc thiết bị chế biến, xây dựng thương hiệu và đưa ra thị trường. Nhưng có lẽ, HTX Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) được xem là đơn vị tiêu biểu nhất trong việc giúp cà phê của tỉnh Kon Tum có vị trí trên bản đồ Việt Nam.

HTX Sáu Nhung hiện có 32 thành viên chính thức và 81 hộ thành viên liên kết sản xuất. Diện tích sản xuất cà phê của HTX là 300 ha, sản lượng trung bình đạt từ 3,5 - 4,5 tấn/ha/năm. HTX chịu trách nhiệm quy hoạch diện tích, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn sạch mà các tổ chức hiệp hội cà phê ban hành. HTX đã cung ứng dịch vụ đầu vào như cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua bao tiêu 100% sản lượng cho thành viên với giá cao hơn giá thị trường khoảng 15% tùy mùa vụ.

Đến nay, trong số 300 ha do HTX quản lý sản xuất có 51 ha đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và HACCP. Trước thực tế bán cà phê thô giá trị kinh tế không cao, giá cả bấp bênh nên HTX đã đầu tư nhà xưởng sơ chế, máy móc thiết bị hiện đại chế biến cà phê nhân xô thành các sản phẩm như cà phê bột nguyên chất, cà phê hòa tan, tinh cà phê…

Nhớ lại những ngày mới thành lập, ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Sáu Nhung cho biết, khoảng hơn 10 năm trước, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện nhiều HTX nhưng hoạt động theo hình thức cũ, kinh phí do nhà nước đầu tư và giao cho người dân tham gia sản xuất.

Với những người vừa làm nông nghiệp vừa kinh doanh, chúng tôi bấy giờ cũng đã đi tìm hiểu về các mô hình HTX kiểu mẫu phù hợp với nhu cầu thị trường. Đến năm 2012, luật HTX ra đời với rất nhiều tiêu chí mang lại lợi ích cho người dân. Đặc biệt, HTX kiểu mới rất phù hợp với lợi thế của địa phương là chuyên canh về cây cà phê.

“Thời điểm bấy giờ xu thế của thị trường cần phải xây dựng những kho hàng lớn cũng như chất lượng cà phê phải đạt chuẩn để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Chính những tiêu chí đó đòi hỏi các hộ dân phải liên kết lại với nhau để tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Sáu bộc bạch.

Để kịp thời nắm bắt xu thế của thị trường, HTX Sáu Nhung chính thức được thành lập vào năm 2012 với nhiệm vụ chính là trồng, chăm sóc, thu hoạch sơ chế, chế biến cà phê. Thời điểm mới thành lập, HTX đã được rất nhiều các Bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm, góp ý và định hướng phát triển.

Ban đầu, HTX cũng mới chỉ tập hợp được 7 thành viên góp vốn để cùng nhau xây dựng, phát triển. Phải đến năm 2019, HTX mới bắt đầu mở rộng việc kết nạp các thành viên và xây dựng nhiều tổ hợp tác để phát triển bền vững hơn.

Ông Sáu bên các sản phẩm cà phê thành phẩm do HTX sản xuất. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Sáu bên các sản phẩm cà phê thành phẩm do HTX sản xuất. Ảnh: Tuấn Anh.

Khác với các đơn vị khác, HTX Sáu Nhung không chỉ tập hợp các hộ dân thực hiện sản xuất cà phê mà còn thu hoạch sơ chế, chế biến cà phê và tìm kiếm thị trường. Thậm chí, HTX thực hiện luôn cả khâu pha chế và người tiêu dùng chỉ việc thưởng thức sản phẩm cà phê.

“Với quy trình gần như khép kín đó, đòi hỏi các thành viên phải có vốn đầu tư lớn mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất cà phê. Ngoài ra các thành viên cũng cần phải có kiến thức, trình độ và kinh nghiệm thì mới có thể tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Sáu chia sẻ.

Sản xuất cà phê bền vững nhờ “điểm tựa” VnSAT

Hiện nay, các thành viên khi tham gia HTX Sáu Nhung đã khắc phục tình trạng sản xuất cà phê manh mún, nhỏ lẻ và tập trung nguồn lực, đặc biệt là đất đai để sản xuất lớn. HTX Sáu Nhung cũng đã đại diện cho hộ nông dân thực hiện liên kết với doanh nghiệp, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thăm vườn cà phê của HTX Sáu Nhung. Ảnh: Tuấn Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thăm vườn cà phê của HTX Sáu Nhung. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Tri Sáu cho biết, năng suất cà phê của các thành viên trong HTX không nổi bật hơn các nơi khác khi chỉ đạt khoảng 3-3,5 tấn nhân/ha. Tuy nhiên, phương thức sản xuất cà phê lại được xem là yếu tố then chốt để thu lại lợi nhuận cao. Cụ thể, từ những lớp tập huấn sản xuất và tái canh bền vững của Dự án VnSAT, các thành viên trong HTX luôn biết cách chăm sóc vườn cà phê theo mong muốn của mình. Dù cà phê năng suất không cao nhưng bù lại vườn cây ổn định, năng suất được duy trì đều qua các năm.

“Đối với những vườn cà phê cho năng suất khoảng 5-6 tấn nhân/ha chỉ duy trì được trong 2-3 năm, trong khi vườn cà phê của các thành viên chỉ 3,5 tấn nhân/ha nhưng lại duy trì được 8-10 năm”, ông Sáu chia sẻ

Ngoài ra, chi phí đầu tư chăm sóc vườn cà phê cũng được tiết kiệm tối đa, qua đó gia tăng lợi nhuận. Đơn cử, đối với vườn cà phê cho năng suất 6 tấn nhân/ha, giá cà phê thời điểm hiện tại khoảng 40.000 đồng/kg, như vậy doanh thu sẽ đạt khoảng 240 triệu đồng.

Tuy nhiên, để đạt được năng suất 6 tấn nhân/ha thì chi phí đầu tư sẽ rất lớn thậm chí lên đến 200 triệu đồng, như vậy lợi nhuận thu lại chỉ còn 40 triệu đồng. Trong khi đó, đối với vườn cà phê chỉ cho năng suất 3,5 tấn nhân/ha, doanh thu đạt 140 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền đầu tư chỉ hết 70 triệu đồng, lợi nhuận thu về được 70 triệu đồng.

Theo ông Sáu, có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ công rất lớn của Dự án VnSAT. Năm 2018, các thành viên trong HTX bắt đầu được tiếp cận với Dự án VnSAT. Khi đó, Ban quản lý Dự án VnSAT Kon Tum có mời HTX tuyên truyền về các chương trình hỗ trợ của dự án đối với các hộ dân.

Lúc bấy giờ, ông Sáu đã nhìn thấy sức bật rất lớn mà Dự án VnSAT có thể mang cho ngành hàng cà phê. Tuy nhiên, do dự án còn quá mới mẻ nên rất nhiều hộ dân vẫn chưa thấy được những giá trị và lợi ích mà Dự án VnSAT mang lại.

Nhờ VnSAT hỗ trợ mô hình tưới tiết kiệm, các thành viên HTX Sáu Nhung đấy mạnh tái canh. Ảnh: Tuấn Anh. 

Nhờ VnSAT hỗ trợ mô hình tưới tiết kiệm, các thành viên HTX Sáu Nhung đấy mạnh tái canh. Ảnh: Tuấn Anh. 

Chẳng hạn như hệ thống tưới tiết kiệm mang lại rất nhiều lợi ích nhưng các hộ dân gần như không quan tâm. Thấy vậy, ông Sáu phải đi gõ cửa từng nhà, giải thích cho người dân hiểu được những hiệu quả mà hệ thống tưới tiết kiệm mang lại.

Bản thân ông Sáu cũng đã làm thử nghiệm 2 ha mô hình tưới tiết kiệm để chứng minh cho người dân thấy. Từ thực tế thành công đó, người dân mới bắt đầu đăng ký thực hiện dưới sự hỗ trợ 50/50 của Dự án VnSAT. Hiện HTX đã được Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư trên 30 ha hệ thồng tưới tiết kiệm.

“Đến nay, dù không còn chương trình hỗ trợ từ VnSAT nhưng nhiều hộ dân thấy được lợi ích quá lớn từ hệ thống tưới tiết kiệm nên đã quyết định tự bỏ tiền ra đầu tư”, ông Sáu chia sẻ.

Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT Kon Tum cho biết, khi hỗ trợ đầu tư cho HTX Sáu Nhung đã mang lại hiệu quả rất lớn, các thành viên rất tâm huyết để cùng nhau liên kết phát triển cà phê bền vững. Thực tế, thông qua các lớp tập huấn và hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, các hộ dân đã sản xuất và tái canh cà phê rất hiệu quả.

Điểm nổi bật và thành công của HTX Sáu Nhung chính là sản xuất cà phê theo mô hình khép kín. Với cách làm này, HTX đã từng bước gây dựng được thương hiệu trên thị trường thông qua các sản phẩm chế biến sâu. Trong khi đó, các HTX khác chủ yếu sản xuất cà phê thô nên chưa gây dựng được tên tuổi trên thị trường.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Sáu Nhung: "Khó khăn lớn nhất đối với HTX Sáu Nhung hiện nay chính là thị trường. Phát triển thị trường cũng như chiến trường, nếu HTX không thay đổi hàng ngày sẽ dễ thất bại. Chính vì yếu tố thị trường rất quan trọng nên HTX luôn phải linh hoạt để tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng. Hiện các sản phẩm cà phê của HTX chủ yếu cung cấp ở thị trường trong nước tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và một số thành phố lớn.

Nếu như những năm trước chưa xảy ra dịch Covid-19, hàng tháng HTX cung cấp ra thị trường từ 3-5 tấn cà phê bột, cà phê hòa tan. Những năm gần đây, ảnh hưởng của dịch bệnh, sản phẩm tiêu thụ gặp đôi chút khó khăn, trung bình mỗi tháng đạt khoảng 1 tấn".

Nguồn: https://nongnghiep.vn/hop-tac-xa-kieu-mau-san-xuat-ca-phe-theo-chuoi-khep-kin-d324093.html

← Bài trước Bài sau →
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận